Kiêng kỵ trong dùng thuốc Đông Y

  Ncs, Ths, Bs Tôn Mạnh Cường

  20/09/2018

  0 nhận xét

17683 lượt xem

Ăn uống kiêng kỵ khi đang sử dụng thuốc Nam để điều trị bệnh tật, trong Đông y gọi là "kỵ khẩu". Đó là một việc rất cần thiết, do đó, sau khi xem mạch và kê đơn thuốc, thầy thuốc thường căn dặn bệnh nhân ăn uống phải chú ý kiêng kỵ, không được ăn ba ba, thịt gà, tỏi, ớt, ...

Tuy nhiên, không hiếm trường hợp, một số thầy lang lại yêu cầu bệnh nhân phải kiêng kỵ một cách thái quá, đến nỗi bữa ăn hàng ngày không còn cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khiến bệnh càng lâu khỏi hơn.

 

 

Vậy thì bản chất việc kiêng kỵ trong ăn uống là như thế nào?

Trong thư tịch y học xưa nay, ghi chép về kỵ khẩu rất nhiều, quy nạp lại đại thể bao gồm ba phương diện chủ yếu như sau:

1. TƯƠNG TÁC GIỮA THUỐC VÀ THỨC ĂN

    Khi đang uống một số loại Đông dược nào đó, cần phải kiêng kỵ một số loại thức ăn nhất định, nghĩa là cần chú ý đến sự tương tác giữa thức ăn với các vị thuốc. Ví dụ, trong "Thương hàn luận" - bộ sách kinh điển về lâm sàng, sau bài "Quế chi thang" có phần lưu ý "Cấm ăn những thứ sống lạnh, các chất cay (ngũ tân), rượu, thức ăn đã ôi thối, ...". Hay như trong "Bản thảo cương mục" - bộ sách kinh điển về Đông dược, có ghi "Dùng địa hoàng, hà thủ ô cần kiêng củ cải; uống cam thảo, hoàng liên, ... phải kiêng thịt lợn; uống bán hạ phải kiêng thịt dê; uống thương lục phải kiêng thịt chó; uống thường sơn phải kiêng hành sống; uống thổ phục linh phải kiêng trà; uống đan sâm cần kiêng giấm; uống bạc hà kiêng thịt ba ba; uống miết giáp phải kiêng rau dền; ...".

    Một số trường hợp điển hình cần lưu ý:

    - Khi đang uống các loại thuốc ôn bổ (thuốc bổ tính ấm), ví dụ  thuốc bổ thận tráng dương, kiện tỳ ích khí, ... nên hạn chế uống trà, là thứ có tính mát và có tác dụng "hạ khí", có thể làm giảm tác dụng bổ thận, kiện tỳ, ... của thuốc ôn bổ. Nhân tiện nói thêm, cũng không nên dùng nước trà để chiêu bổ dạng viên (thuốc hoàn), chất tannin trong nước trà là một loại acid (tannic acid) sẽ kết hợp với các protein, các loại muối hoặc một số kim loại, tạo thành những chất trầm tích, ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc, thậm chí làm cho thuốc mất  hết tác dụng.

    - Khi dùng thuốc bổ trong thành phần có nhân sâm, không nên ăn củ cải. Nhân sâm là "thuốc bổ", còn củ cải là "thuốc tiêu" (tiêu thực, trừ đờm); một bên "bổ" một bên "tiêu" sẽ làm giảm tác dụng của nhau, rõ ràng là sẽ gây lãng phí, vì nhân sâm là một vị thuốc quý và rất đắt tiền.

    - Khi đang dùng thuốc "giải biểu" (thuốc làm ra mồ hôi, để giải trừ bệnh tà ra ngoài cơ thể) và thuốc "thấu chẩn" (làm cho sởi mọc đều để tránh biến chứng), thì không nên ăn những thứ sống lạnh và những thức ăn có vị chua (có tính thu liễm), có thể làm giảm tác dụng giải biểu và thấu chẩn của thuốc.

    - Khi đang uống các thuốc "thanh nhiệt lương huyết" (như kim ngân, liên kiều, chi tử, ...) và thuốc "dưỡng âm" (huyền sâm, sa sâm, mạch môn. ...), không nên ăn những thứ cay nóng - có thể sinh nhiệt, sẽ làm giảm tác dụng thanh nhiệt dưỡng âm.

2. THỨC ĂN ẢNH HƯỞNG ĐẾN BỆNH TRẠNG

    Khi bị mắc một số chứng bệnh nào đó, cần kiêng kỵ một số loại thức ăn nhất định. Nghĩa là cần chú ý đến ảnh hưởng của thức ăn đối với bệnh tình. Thực tế lâm sàng cho thấy, có những thức ăn giúp cơ thể mau chóng khỏi bệnh, nhưng cũng có một số thức ăn khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.

    Đông y học cho rằng, mỗi thứ thức ăn đều có những tính chất riêng, cũng có "tứ khí" và "ngũ vị" giống như các vị thuốc. Tứ khí là nóng, lạnh, ấm và mát (nhiệt, hàn, ôn, lương); ngũ vị là chua, ngọt, cay, đắng, mặn (toan, cam, tân, khổ, hàm). Chỉ khác là, khí và vị của thức ăn không mãnh liệt, không rõ nét như trong thuốc chữa bệnh mà thôi.

    Thức ăn có nóng có lạnh, có bổ và có tả. Tật bệnh có hàn có nhiệt, có hư có thực. Cho nên, trong quá trình điều trị bệnh tật, cần chú ý sử dụng những thức ăn cho phù hợp.

    Một số trường hợp điển hình cần  lưu ý:

    - Người đang mắc phải chứng bệnh thuộc loại "hư hàn" mà lại dùng các món ăn "lạnh" ắt sẽ làm bệnh tình gia tăng. Ngược lại, người đang mắc những chứng bệnh có tính "hỏa nhiệt" mà lại đi ăn các món nóng thì chẳng khác đổ dầu vào lửa.

    - Người thể chất thuộc loại hình "hư hàn" (cơ thể suy yếu, kèm theo sợ lạnh), đại tiện lỏng, dạ dày đau và thích chườm ấm, chân tay lạnh, ... thì không nên ăn nhiều những thức ăn có tính hàn lương (mát lạnh), như dưa hấu, chuối tiêu, lê, ... Ngược lại, người hay bị "bốc hỏa", mặt nóng bừng, mắt đỏ lừ, miệng khát, bồn chồn không yên, khó ngủ, đại tiện xuất huyết, ... thì sẽ phải kiêng ăn những thứ cay nóng như gừng, hồ tiêu, rượu trắng, tỏi, ...

    - Nói chung, những người đang uống thuốc Đông y để điều trị các chứng bệnh "nhiệt", cần ít dùng hoặc cấm dùng các loại rượu, ớt cay, thịt và cá; bởi vì rượu và ớt là những thứ có tính "nhiệt", thịt và cá là những thứ bổ béo dễ sinh nhiệt, sinh đờm; ăn vào sẽ làm tăng "tà khí" (tác nhân gây bệnh), bệnh càng thêm nặng.

    - Đối với những người đang bị lên sởi, mề đay, trĩ nội và các chứng lở loét ngoài da, cần phải kiêng những thứ có tính chất kích thích hoặc gây dị ứng.

     - Trong thời kỳ ổn định, người bị bệnh hen suyễn có thể ăn uống như người bình thường, nhưng khi bệnh phát thì sữa bò, trứng gà, tôm, cá, ... có thể đóng vai trò như những "phát vật", nên cần phải kiêng.

 

 

    - Đối với phụ nữ, trong thời kỳ có thai, do phải nuôi dưỡng thai nhi, Âm Huyết thường bất túc, không được đầy đủ. Âm Huyết hư thì Dương Khí thiên thịnh, do đó không nên sử dụng nhiều những thứ thức ăn nóng, cay khô háo. Do đó y gia thời xưa nói "sản tiền nghi lương" - nghĩa là trước lúc đẻ nên dùng những thứ mát. Trường hợp bị ốm nghén, càng cần kiêng kỵ những món ăn béo ngậy, có mùi tanh và khó tiêu hóa. Ngược lại, sau khi sinh nở, cơ thể người mẹ thường lâm vào trạng thái hư hàn, đồng thời thường có những biểu hiện ứ huyết bên trong; lúc này cần kiêng ăn những thứ sống lạnh, những thứ có vị chua và những thứ mát cay phát tán, vì thế nên y gia nói "sản hậu nghi ôn".

3. THỨC ĂN GÂY BỆNH

    Những thứ thức ăn có tác động xấu tới thể trạng của người bệnh, có thể khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hoặc khiến bệnh tái phát, Đông y xưa gọi là "phát vật" - tức là "thức ăn khiến bệnh phát ra".

    "Phát vật" được phân ra thành 6 loại chính:

    (1) Loại thức ăn "phát nhiệt", khiến cơ thể nóng lên, gây nên các chứng bệnh thuộc phạm trù "nhiệt" trong Đông y; ví dụ như tỏi, kiệu, gừng, thịt dê, thịt chó, ...

    (2) Loại thức ăn dẫn đến "động phong", còn gọi là "phát phong", tức gây nên những chứng phong, ví dụ như tôm, cua, ...

    (3) Loại thức ăn "phát thấp", tức gây ra các chứng "thấp trệ"; ví dụ như di đường, gạo nếp, rượu gạo, ...

    (4) Loại thức ăn "phát lãnh tích", làm giảm thân nhiệt, dẫn đến các chứng hàn; ví dụ như dưa hấu, chuối tiêu, lê, nước đá, ...

    (5) Loại thức ăn "động huyết", có ảnh hưởng xấu đến huyết dịch, gây nên những chứng bệnh về huyết, như ớt, hồ tiêu, ...

    (6) Loại thức ăn làm cho "khí trệ", ảnh hưởng đến sự hoạt động của khí - cơ năng của cơ thể; ví dụ như khoai tây, chế phẩm từ các loại đậu, ...

    Tác động của "phát vật" nói chung còn phụ thuộc vào tuổi tác, đặc điểm của thể chất, đặc tính di truyền của từng cá thể, cũng như điều kiện thời tiết khí hậu và nhất là trạng thái tinh thần sau khi ăn uống, ... Ví dụ như đối với người có thể chất thiên về nhiệt (tạng nhiệt) thịt dê và thịt chó có thể trở thành "phát vật", nhưng người "tạng hàn" thì ăn vào lại không việc gì. Hay như, những thức ăn xào rán béo ngậy cũng có thể trở thành "phát vật" đối với những người béo phì, trong cơ thể có nhiều "đờm tích", nhưng đối với người bình thường thì không hại gì.

 

 

    Chính vì vậy, đối với vấn đề kiêng kỵ trong ăn uống, cũng cần phải tuân theo phương pháp "biện chứng luận kỵ" - nghĩa là cần căn cứ vào chứng trạng cụ thể của từng người mà quyết định xem cái gì nên ăn, cái gì nên kiêng.

 

Lương y THÁI HƯ