Đông y chữa bệnh, dùng thuốc không giống như Tây y. Trong Tây y, tất cả những người mắc cùng một bệnh, đều được cho sử dụng một (hoặc một số) loại thuốc nhất định. Còn trong Đông y, những bệnh nhân cùng mắc một bệnh, thường được áp dụng những cách chữa, loại thuốc khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, đặc điểm thể chất và chứng trạng biểu hiện cụ thể, ... Người xưa gọi đó là "đồng bệnh dị trị" - nghĩa là "bệnh giống nhau mà chữa khác nhau".
Đối với bệnh táo bón cũng vậy, để chữa trị, cần căn cứ vào chứng trạng biểu hiện cụ thể, mà chọn dùng phép chữa, bài thuốc tương ứng, theo các phương án (thể bệnh) sau:
1. Thể "Nhiệt kết":
- Triệu chứng biểu hiện: Bụng đầy tức, buồn bực, hơi thở hôi và nóng, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch hoạt thực. Dạng này thường gặp ở những người khỏe mạnh, thể chất nhiệt hoặc thường ngày ăn nhiều thứ cay nóng, khiến tân dịch bị khô cạn gây nên tiện bí.
- Phép chữa: Thanh nhiệt và nhuận tràng.
- Có thể dùng "Thanh nhiệt nhuận tràng hoàn": Vỏ cây đại 40g, phèn chua 8g, nước mía 300ml; vỏ đại cạo bỏ vỏ ngoài, thái nhỏ, sao vàng, tán thành bột mịn; phèn chua để sống, nghiền thành bột mịn; nước mía cô đặc; tất cả trộn đều, hoàn thành viên nặng 0,5g; ngày uống 1 lần, mỗi lần 3-4 viên, uống vào lúc sáng sớm hoặc tối trước khi đi ngủ; thấy đi đại tiện đã bình thường thì ngừng.
2. Thể "Khí trệ":
- Triệu chứng biểu hiện: Đại tiện bí kết, muốn đi mà phân không ra được, bụng dưới đau tức, ăn ít, ợ hơi liên tục, nôn ọe; lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền.
- Phép chữa: Thuận khí hành trệ (thuận khí, tiêu tích trệ).
- Có thể dùng "Hành khí thông tiện thang": Chỉ thực 15g, hậu phác 10g, mộc hương 6g, ô dược 6g, trần bì 10g, tân lang 10g, lai phục tử (hạt củ cải, sao) 10g, bá tử nhân 10g, hạnh nhân 6g, đương quy 10g; sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 400ml; chia 2 lần uống vào lúc đói bụng buổi sáng và buổi tối, mỗi ngày uống 1 thang.
3. Thể "Khí hư":
- Triệu chứng biểu hiện: Đại tiện phải rặn nhiều đến vã mồ hôi, sau khi đi đại tiện người mệt lả, mặt nhợt, hơi thở yếu, đổ mồ hôi, lưỡi nhợt, rêu lưỡi nhờn mỏng, mạch hư nhuyễn. Dạng này thường do Tỳ khí và Phế khí suy yếu dẫn đến sự bài tiết khó khăn.
- Phép chữa: Ích khí nhuận tràng.
- Có thể dùng "Ích khí thông tiện thang": Hoàng kỳ (nướng) 20g, đảng sâm 15g, bạch truật (để sống) 10g, đương quy 10g, chỉ thực 10g, hậu phác 6g, trần bì 10g, bá tử nhân 10g, cam thảo (nướng) 6g; sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 400ml; chia 2 lần uống vào lúc đói bụng buổi sáng và buổi tối, mỗi ngày uống 1 thang.
4. Thể "Âm huyết hư tổn":
- Triệu chứng biểu hiện: Đại tiện táo bón, phân như phân dê, người gầy, môi trắng nhợt, chóng mặt, hoa mắt, miệng khô háo, tâm phiền, lòng bàn chân bàn tay nóng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.
- Phép chữa: Tư âm, nhuận tràng, thông tiện.
- Có thể dùng một trong hai bài thuốc sau:
(1) Tư âm thông tiện thang: Sinh địa hoàng 20g, huyền sâm 20g, mạch môn 20g, hà thủ ô (sống) 10g, bạch thược 10g, bá tử nhân 10g, câu kỷ tử 10g, trần bì 6g; sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 400ml; chia 2 lần uống vào lúc đói bụng buổi sáng và buổi tối, mỗi ngày uống 1 thang.
Sinh địa hoàng
(2) Tư âm nhuận tràng hoàn: Sinh địa hoàng 30g, hà thủ ô (sống) 50g, huyền sâm 30g, bạch thược (sống) 30g, bá tử nhân 30g, câu kỷ tử 30g, chỉ thực 20g, hạnh nhân 20g, đương quy 20g; tất cả đem sấy khô, nghiền thành bột mịn, luyện với mật làm thành viên 10g; ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 viên.
5. Thể "Thận dương hư" (lãnh bí):
- Triệu chứng biểu hiện: Đại tiện táo bón, phân khó ra, chân tay không ấm, lưng và bụng có khi lạnh, tiểu tiện nhiều lần, nước tiểu trong, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng nhợt, mạch phần nhiều trầm, trì.
- Phép chữa: Ôn bổ tỳ thận, trợ vận thông tiện.
- Có thể dùng "Ôn thận thông tiện thang": Thục địa hoàng 15g, nhục thung dung 15g, đảng sâm 10g, hoàng kỳ (nướng) 15g, đương quy 10g, hồ đào nhục 10g, hà thủ ô (sống) 10g, trần bì 6g; sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 400ml; chia 2 lần uống vào lúc đói bụng buổi sáng và buổi tối, mỗi ngày uống 1 thang.
Thục địa hoàng
Các loại thức ăn mà bác sử dụng, cũng như thuốc Phytilax (thành phần chính gồm: mật lợn, nha đam, thảo quyết minh) chỉ phát huy tác dụng tương đối tốt đối với bệnh táo bón thuộc hai thể "Nhiệt kết" và "Âm huyết hư tổn". Còn với các thể khác, nói chung rất ít tác dụng. Muốn biết cần dùng loại thuốc gì, để chữa tận gốc, tốt nhất bác nên đến các phòng chẩn trị Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc chẩn bệnh và hướng dẫn dùng thuốc cụ thể.
Lương y HUYÊN THẢO
Bình luận của bạn